Nhờ có sự đồng hành của lực lượng tình nguyện viên bên cạnh các bác sĩ, chiến sĩ quân y của các trạm y tế cố định và lưu động ở địa phương mà nhiều người dân đang điều trị Covid-19 tại nhà cảm thấy yên tâm, lạc quan hơn hẳn.
Sẵn sàng góp sức trẻ chống dịch
Với tâm nguyện chia lửa cùng trạm y tế cố định, Trạm y tế lưu động số 6 đóng tại P.13 (Q.10) đã giúp đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu tư vấn, thăm khám, xét nghiệm cho các ca F0 trên địa bàn.
Với lực lượng thường trực gồm 3 bác sĩ quân y, 3 tình nguyện viên có kiến thức y tế và sự tham gia không thường xuyên của các bạn đoàn viên, trạm bước đầu tạo được niềm tin cho bà con khi số cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ ngày càng tăng.
Khi người dân gọi đến không chỉ thông tin về tình hình sức khỏe mà còn chia sẻ những khó khăn khi cách ly tại nhà (vấn đề tâm lý, thiếu lương thực thực phẩm…).
Anh Phan Long Nhi, Phó trạm trưởng Trạm y tế lưu động số 6, cho biết: Là một thanh niên lớn lên ở phường nên sẵn sàng góp sức trẻ vào các hoạt động chống dịch của địa phương.
Quá trình công tác cùng các bác sĩ, chiến sĩ Học viện quân y cũng giúp anh học hỏi được rất nhiều về chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật cũng như sự hết lòng vì người dân. Ngoài Nhi, hai thành viên còn lại đều là sinh viên các trường y dược.
Lê Hoài Ý Nhi, sinh viên năm cuối ngành điều dưỡng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ: “Là sinh viên tỉnh trọ học ở Sài Gòn.
Khi dịch bùng phát mình quyết định không về quê mà ở lại tham gia tình nguyện chống dịch, góp sức cho dịch bệnh mau qua để sớm được tốt nghiệp và hoàn thành tâm nguyện phục vụ ngành y”.
Thành viên nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Quang Huy (SN 2001), sinh viên năm ba ngành kỹ thuật phục hồi chức năng Trường CĐ Y dược Sài Gòn.
Sinh ra trong gia đình có ba là bác sĩ quân y công tác tại Ban chỉ huy quân sự Q.11, mẹ là y tá chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện Nhân dân 115, vì thế với Huy, việc tình nguyện tham gia chống dịch như một thôi thúc hiển nhiên.
Hiện cả gia đình Huy đều đang đóng góp hết mình cho công tác chống dịch của thành phố.
Niềm vui lan tỏa từ những F0 khỏi bệnh
Hộ ông Phúc (51 tuổi, ở KP.5, P.13) có 3 thành viên là F0 được cách ly điều trị tại nhà. Ông cho biết rất phấn khởi khi được phường quan tâm, ghi nhận nhu cầu của gia đình.
Hiện các thành viên đều khỏe, không còn triệu chứng nên mong được xét nghiệm lại sớm.
Kỷ niêm ấn tượng nhất là một bác gái ở KP.1 khi chúng tôi đến thăm hỏi, hỗ trợ. Cô năm nay đã 58 tuổi sống cùng mẹ già nên rất lo lắng.
Do nhà bị cách ly làm cho việc cung cấp thực phẩm, thuốc men và chăm sóc y tế khó khăn hơn vì mẹ cô phải ăn qua ống xông. Bản thân cô cũng trải qua những ngày khó thở, mệt mỏi nặng nề.
Nhưng sự quan tâm kịp thời của cộng đồng và địa phương đã giúp cả nhà vững tin chống chọi với bệnh tật. Cô gởi lời cảm ơn và chúc sức khỏe đến các anh chị em chống dịch.
Có thể cảm nhận từ ánh mắt đằng sau chiếc kính chống giọt bắn là niềm vui, lòng biết ơn của người đã chiến thắng Covid-19.
Chính những niềm vui từ những F0 khỏi bệnh đã lan tỏa sang những chiến sĩ cộng đồng, làm vơi đi sự vất vả và những rủi ro trong quá trình công tác.
Có lần chúng tôi đang trao thuốc cho một ca F0 thì nghe thấy tiếng gọi. Nhìn lên căn gác xộc xệch, một chú lớn tuổi đeo khẩu trang dưới mũi hơi thở nhọc nhằn, cho biết mình cũng đã dương tính và muốn được hỗ trợ.
Tình huống bất ngờ, chúng tôi liền hướng dẫn chú đeo lại khẩu trang và cập nhật thông tin sức khỏe để báo cáo ngay về trung tâm y tế.
Tâm nguyện cứu người của những chiến sĩ y tế trẻ
Những ngày cùng các thành viên trạm lưu động đi công tác, cảm nhận được những nhọc nhằn, khó khăn lẫn nguy cơ có thể phơi nhiễm khi phải xông pha vào những nơi dịch bệnh căng thẳng nhất để kịp thời giúp đỡ người dân.
Thế nhưng, những chiến sĩ y tế trẻ tuổi luôn toát ra tinh thần lạc quan, nhiệt huyết và tâm nguyện cứu người như lời thề Hippocrates mà họ được học.
Ý Nhi cho biết trường cô có nhiều sinh viên đăng ký tình nguyện, trong đó có người bạn cùng lớp đã mãi mãi ra đi vì tai nạn giao thông khi trên đường từ quê nhà quay lại Sài Gòn chống dịch.
Nỗi buồn mất bạn càng làm cho Nhi có thêm động lực để hết mình vì cộng đồng, vì sức khỏe người dân. Cô tâm sự trong quá trình công tác, có nhiều lúc trải qua tâm trạng xúc động khi chứng kiến nỗi đau khổ, mất mát mà con vi rút quái ác gây ra.
Trong quá trình làm việc Nhi ấn tượng với trường hợp của anh Hùng (48 tuổi), chăm sóc vợ là F0 nên cũng nhiễm bệnh. Lúc cô nắm thông tin gọi tới thì gia đình đã cách ly được 5 ngày, người vợ có dấu hiệu chuyển nặng và giọng người đàn ông nghẹn ngào cho biết cả nhà gần như không còn gì để ăn.
Trong lúc chờ sự hỗ trợ của địa phương, Nhi quyết định dùng tiền ăn ba mẹ gửi cho để mua thực phẩm đem đến kịp thời cho gia đình. Những ngày sau đó là những cuộc gọi tư vấn liên tục để động viên tinh thần, hướng dẫn chữa trị cho hai vợ chồng.
Nhi cho biết, cách đây một tuần anh Hùng đã gọi điện cảm ơn và vui mừng thông báo với cô rằng cả nhà đã khỏi bệnh. Điều đó khiến Nhi đã cảm nhận được niềm hạnh phúc khi cứu giúp được những bệnh nhân của mình.
Cũng có những lúc người chiến sĩ tình nguyện cũng chạnh lòng, khi đã cố hết sức mình nhưng vì công việc quá tải, chưa kịp thời hỗ trợ nên nhận những phàn nàn từ người dân.
Nhưng đó cũng chỉ là những tình huống cá biệt. Nhiều người dân sau khi nhận được sự hỗ trợ đều có những nhận xét tích cực, hỏi han, động viên và chúc sức khỏe các anh chị em tình nguyện.
Cô Nga (56 tuổi, ở KP.4), sau khi được các thành viên trạm y tế lưu động đến làm xét nghiệm tại nhà, đã chia sẻ: “Các em tình nguyện thật đáng quý khi trời mưa gió vẫn xuống sau cuộc gọi của gia đình, không ngại nguy hiểm để giúp đỡ bà con.
Đâu đó người dân đã hiểu và cảm nhận được sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ tình nguyện vốn cũng là những người dân bình thường đã lựa chọn cống hiến, xông pha vì sức khỏe và sự an toàn của xã hội”.