Tỉnh Kiên giang với 56 km biên giới giáp Campuchia, bờ biển dài hơn 200 km. Người gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia là người của tỉnh này hiện có hơn 103.000. Riêng Kampot, Kep và Preah Sihanouk có trên 700 hộ, với khoảng 1.700 người gốc Việt đang cư trú. Trong suốt thời gian dịch xảy ra, đã có nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép bằng đường biển vào Phú Quốc.
Tiếp giáp cả đất liền và biển, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Kiên Giang xác định, kiểm soát tuyến biên giới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch. Bên cạnh đó TP Hà Tiên, một địa bàn nóng cũng tiếp giáp Campuchia với cả hai đường nên đã lập 48 chốt chặn với nhiều lớp tuần tra ngày đêm.
Nhờ tăng cường ráo riết như vậy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho hay, phòng chống dịch ở địa phương vẫn nằm trong kiểm soát. Tuy nhiên, ở Campuchia dịch vẫn chưa được kiểm soát và còn phức tạp, khó lường nên tỉnh cùng với Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản cho tình huống xấu nhất: lập bệnh viện dã chiến 300-500 giường để điều trị ca bệnh nhẹ; 50 giường cùng trang thiết bị điều trị những ca nặng…
Trước tình hình đó tuyến đầu như Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Pasteur TP HCM được Bộ Y tế yêu cầu tăng cường bác sĩ, nhân viên y tế. Các labo xét nghiệm đủ tiêu chuẩn tại Hà Tiên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang được thiết lập.
Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang và cơ quan chức năng duy trì nghiêm ngặt việc tuần tra kiểm soát trên 100 km đường biên giáp Campuchia, 2 cửa khẩu quốc tế và rất nhiều “đường mòn lối mở” với đội hình gần 200 tổ, chốt cùng 2.000 người.
Hiện tại tỉnh An Giang đang vận động 33.000 hộ dân sống gần biên giới ký cam kết thực hiện biện pháp chống dịch, không xuất nhập cảnh trái phép. Có sự vận động đông đảo như vậy bởi vì công tác phòng chống dịch, ngăn chặn nhập cảnh trái phép là nhiệm vụ hàng đầu do Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng An Giang khẳng định. Nhờ sự giám sát chặt chẽ, từ đầu năm đến nay, tỉnh phát hiện, bắt giữ 400 vụ vượt biên với hơn 600 người, đưa đi cách ly tập trung.
Bên cạnh hai tỉnh trên, Long An cũng đang duy trì lực lượng với 40 tổ, chốt kiểm soát ở vùng biên trên 130km giáp Campuchia. Ít hơn so với An Giang, đầu năm đến nay, lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ hơn 130 trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, trong đó có 95 người nước ngoài. 14 vụ án, 29 bị can bị khởi tố về hành vi Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, trong đó 4 vụ đã xét xử.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết: “Quan điểm địa phương luôn xử nghiêm trường hợp xuất nhập cảnh trái phép. Hiện, khu vực biên giới có 36 chốt kiểm soát dã chiến, gặp khó khăn khi mùa mưa đến. Do đó tỉnh triển khai xây dựng 13 chốt kiểm soát kiên cố bằng hình thức xã hội hóa, người dân hiến đất, để giúp lực lượng tuần tra có điều kiện sống tốt hơn “.
Hiện tại, Tây Ninh là tỉnh có biên giới giáp Campuchia dài nhất, khoảng 240 km. Tỉnh đang bố trí 123 chốt với trên 600 cán bộ, chiến sĩ túc trực. Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nói: “Địa phương còn có nhiều biện pháp “bọc lót nhiều lớp” để ngăn chặn dịch: vận động người dân không qua lại đường biên; thưởng nóng người tố giác vượt biên; kiểm soát chặt xe ôm ở khu vực biên giới…”.
Trung bình mỗi ngày tỉnh Tây Ninh tiếp nhận 20-30 ca cách ly từ Campuchia. Đối phó với diễn biến dịch phức tạp tại nước bạn, Tây Ninh đã chuẩn bị hơn 3.000 giường hỗ trợ cách ly y tế. “Ngoài ra, để công tác chống Covid-19 hiệu quả, tỉnh đã chi ngân sách hỗ trợ trang thiết bị y tế cho 3 tỉnh (Svay Rieng, Tbong Khmun, Prey Veng) giáp Tây Ninh” , ông Ngọc nói.
Yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban chỉ đạo chống Covid-19 Quốc gia) vào ngày 23/4 sau khi làm việc với 10 tỉnh giáp Campuchia là các tỉnh phải tăng cường kiểm soát, xử nghiêm nhập cảnh trái phép trước nguy cơ dịch xâm nhập.
“Vừa qua đã có trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và mắc Covid-19. Nếu những người mắc bệnh xâm nhập cộng đồng, dự sự kiện đông người hậu quả sẽ khó lường” , Phó thủ tướng nói và yêu cầu các tỉnh biên giới cần thực hiện nghiêm việc xét nghiệm, cách ly y tế người nhập cảnh.
Trên tinh thần chung của Chính Phủ thì người dân Việt Nam ở nước ngoài được khuyến khích hạn chế di chuyển. Trong trường hợp quá khó khăn, cần về nước thì khi về phải khai báo để cơ quan chức năng tiếp nhận cách ly, có biện pháp phòng dịch.
“Những trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp đều bị xử lý hình sự, không thể vì một vài cá nhân mà gây họa cho cả nước”, ông Đam nói và yêu cầu việc tổ chức cách ly phải được đảm bảo đúng quy định, không để tình trạng lây nhiễm chéo xảy ra. Bên cạnh đó ông cũng đồng thuận ý kiến của các tỉnh về việc kêu gọi người dân báo tin cho chính quyền khi phát hiện người về từ nước ngoài sống trong khu vực.
Nguồn tham khảo: vnexpress.net