Anh Huỳnh Ngọc Huấn (28 tuổi) một nhà thiết kế trang phục biểu diễn tự do tại TP.HCM, một người dành tình cảm đặc biệt cho chiếc bánh mì nên ngay sau khi trên mạng xã hội có làn sóng trỉ trích dữ dội về việc “bánh mì không phải là thực phẩm”, đã lập tức thiết kế trang phục dạ hội lấy ý tưởng từ loại thực phẩm này. Bộ trang phục dạ hội được thiết kế có phần cổ là form áo dài, họa tiết được mô phỏng từ hình dáng của một chiếc bánh mì mới ra lò với tông màu nâu vàng.
Bánh mì và những hồi ức tuổi thơ
Là cựu sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, anh Huấn đã dành 5 tiếng để thực hiện bản vẽ này . Anh Huấn chia sẻ thay vì bày tỏ thái độ gay gắt thì chọn cách chứng minh bằng những điều có ý nghĩa và thiết thực hơn.
Với kinh nghiệm là một người chuyên thiết kế trang phục cho những người đẹp và theo dõi các cuộc thi hoa hậu trên thế giới, anh Huấn đặt rất nhiều niềm tin vào thiết kế trang phục lần này khi lấy ý tưởng từ bánh mì.
Theo Huấn chia sẻ: “Tôi mong thiết kế này có thể được một người đẹp nào đó mặc vào và xuất hiện tại cuộc thi hoa hậu quốc tế. Vì bánh mì là một món ăn mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, thông qua thiết kế này tôi muốn góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước đến bạn bè năm châu”.
Anh kể mình từng có một tuổi thơ nghèo khó và chiếc bánh mì là một loại thực phẩm đã góp phần nuôi lớn anh.
“Trẻ con nhà quê như tôi đi học đâu có nhiều tiền để mua một ổ bánh mì thịt, mà ăn bánh mì khô khan thì cũng không nuốt trôi. Thế là món bánh mì chan một ít nước thịt rẻ tiền là món ăn chính cho bọn trẻ chúng tôi được no bụng trong những buổi tới trường”, anh Huấn tâm sự.
Ngoài ra, những chiếc bánh mì còn được thể hiện tình cảm đặc biệt qua những bức ảnh do Nguyễn Kỳ Anh (26 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Tháp) . Ngoài công việc chính là thiết kế nội thất tại TP.HCM, Kỳ Anh còn là một người đam mê nhiếp ảnh nên mọi sự vật, hiện tượng được thể hiện qua ống kính của chàng trai này là một câu chuyện đặc biệt và bánh mì cũng là những tác phẩm đặc biệt đối với anh.
Bức ảnh được anh ghi lại trong một lần về quê ở huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), Kỳ Anh đã chụp ảnh những ổ bánh mì mới ra lò trong bối cảnh buổi chợ sớm. Anh chia sẻ: “Đây là một món ăn gắn liền với quá trình trưởng thành của tôi, ngày cả bây giờ khi trưởng thành nó vẫn là loại thực phẩm giúp tôi no bụng trong những buổi vội đi làm. Bánh mì không chỉ là một món ăn mà nó còn là niềm tự hào của Việt Nam khi kể cho thế giới nghe về ẩm thực”.
Mang hình ảnh bánh mì vươn tầm thế giới
Nhắc đến bánh mì chúng ta lại không thể nào quên được hình ảnh hoa hậu H’hen Niê diện trang phục “Bánh mì” trình diễn tại cuộc thi Miss Universe 2018 (Hoa hậu Hoàn vũ 2018) tại Thái Lan.
Là tác giả của bộ trang phục “Bánh mì”, Phạm Phước Điền,28 tuổi, làm thiết kế nội ngoại thất tự do tại TP.HCM, cho biết: “Tôi đã tìm hiểu rất nhiều về bánh mì để thiết kế trang phục. Bánh mì không chỉ là thực phẩm mà nó còn gắn liền với văn hóa truyền thống của nước ta. Căn cứ theo lịch sử, bánh mì Việt Nam đã xuất hiện gần 150 năm trước, người Mỹ họ còn ưu ái thêm vào từ điển danh từ “Banh Mi” thay vì “Sandwich” cho các món ăn tương tự”.
Nói về ý tưởng thiết kế bộ trang phục “Bánh mì” Phước Điền cho biết nó đến rất tình cờ, thậm chí lúc đó anh dường như đã cạn kiệt ý tưởng . “Trong một buổi đi làm về, tôi thấy hình ảnh người nước ngoài đứng xếp hàng mua bánh mì và thưởng thức trong sự vui vẻ, hạnh phúc. Thế là tôi đặt bút vẽ với quyết tâm quảng bá văn hóa ẩm thực của Việt Nam ra thế giới”, nhà thiết kế kể lại. Bộ trang phục “Bánh mì” của anh có tới 2 phần là đỏ và vàng đất.
Chia sẻ về quá trình hoàn thiện bộ thiết kế của mình a cho biết để hoàn thành bộ màu đỏ, Phước Điền phải mất hàng tháng trời ròng rã may từng ổ bánh mì bằng vải và lắp ráp, đính kết các chi tiết.
Là một người yêu bánh mì nên anh Điền tỏ ra khá bất ngờ khi có thông tin “bánh mì không phải là thực phẩm”. “Đối với tôi bánh mì là thực phẩm vì nó khiến tôi no bụng và có thể thay thế cho một bữa cơm thông thường”, anh nói.
Nguồn: Tuổi Trẻ