Nguyễn Huỳnh (23 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) đăng tải trên một nhóm cư dân địa phương “Em không có nhiều tiền, anh chị nào thương có thể giao giúp em chút rau được không?”.
Sau 2 tháng thất nghiệp vì dịch bệnh, Nguyễn Huỳnh gặp khó khi lương thực dự trữ và khoản tiết kiệm dần cạn kiệt. Anh không dám nhờ cậy gia đình, bạn bè vì nghĩ rằng “thời dịch, ai cũng khó”.
Khi chỉ còn 100.000 đồng trong túi, anh đành lên các nhóm Zalo mà cư dân địa phương thành lập nhằm tìm kiếm giúp đỡ.
Chỉ sau vài phút đăng tải, chàng trai 23 tuổi nhanh chóng được một tiểu thương sống cùng phường ngỏ ý “vừa bán, vừa tặng” một số loại rau củ tươi. Điều này khiến anh vừa bất ngờ, vừa cảm động.
Anh xúc động chia sẻ “Mình cứ nghĩ giữa nhóm chat hàng trăm người như vậy, bình luận của mình chỉ ‘như muối bỏ bể’. Thật không ngờ lại được người lạ tặng thực phẩm tươi như vậy, mình rất cảm kích”.
Trong thời điểm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, các hội nhóm ở nhiều khu dân cư bị phong tỏa càng phát huy tác dụng, không những trở thành cổng cập nhật tin tức chung thuận tiện, mà còn là nơi hỗ trợ lương thực, tìm kiếm thuốc men cho mọi người.
Cảm động trước những tấm lòng của những con người xa lạ
Huỳnh cho biết anh nhận được nhiều bình luận chia sẻ, động viên từ các thành viên trong nhóm Zalo, song chỉ có người phụ nữ bán hàng này chủ động ngỏ ý giúp đỡ.
Anh kể “Chị ấy nhiệt tình cho số điện thoại, hỏi mình cần các loại rau củ ra sao và nhờ shipper tiện đường giao hàng thì đem qua nhà mình. Đọc được tin nhắn ấy, mình mừng lắm!”.
Ngay buổi chiều hôm đó, Nguyễn Huỳnh nhận được phần rau củ do tiểu thương cùng phường hỗ trợ. Nhìn túi lớn, túi nhỏ treo trên xe người giao hàng, anh có chút giật mình do lượng hàng hóa nhiều hơn dự định.
“Lúc ấy, mình chỉ sợ không đủ tiền trả cho tài xế. Thấy mình lúng túng, định lấy điện thoại gọi cho chị bán hàng thì anh shipper nhắn rằng không cần trả tiền, còn dặn mình mau mang đồ lên nhà và chú ý an toàn”.
Nhìn từng loại rau củ tươi từ cải thìa, cà rốt tới dưa leo, hành ngò được bọc bằng giấy cẩn thận, Nguyễn Huỳnh bật khóc vì cảm động.
“Mình chưa từng nghĩ sẽ nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ những người xa lạ, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn như vậy. Mình chỉ biết nhắn cảm ơn chị ấy, chúc chị và gia đình luôn bình an”.
Học cách sống tự lập hơn
Cùng hoàn cảnh với Huỳnh, Kiều Anh (TP Thủ Đức), sinh viên năm cuối tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết nhóm chat Zalo địa phương rất hữu ích với cô trong những ngày nghỉ dịch.
Từ ngày thành phố siết chặt giãn cách, chỉ áp dụng dịch vụ đi chợ hộ, cô chủ động tham gia rất nhiều hội nhóm.
Từ nhóm trao đổi riêng của khu chung cư nơi cô sinh sống, cho đến nhóm mua thịt, mua rau, đi siêu thị hộ tại địa phương.
“Nhân viên siêu thị chưa từng một lần gặp mặt cũng thành người quen của tôi”, cô nói.
Sự tiện ích của nhóm không chỉ cập nhật thông tin về dịch bệnh nhanh chóng hơn, Kiều Anh còn được nhận thông báo về thay đổi chống dịch của phường, thông tin tiêm vaccine Covid-19.
Ngoài ra, hàng xóm liên tục cũng gửi vào nhóm các địa chỉ đặt thực phẩm ngon, rẻ.
Đây có lẽ là khoảng thời gian thử thách đối với một sinh viên như cô, khi vừa phải sống xa gia đình, phải tự lo mọi thứ, vừa học cách “sinh tồn” giữa dịch bệnh.
Cô chia sẻ “Sau khi tham gia vào các hội nhóm, tôi cảm thấy bản thân phần nào trở nên tự lập, có trách nhiệm hơn.
Giống nhiều cô bác nội trợ, tôi học cách thức dậy sớm để canh giờ đặt hàng, cân đo đong đếm xem thử mua gì, mua cho bao nhiêu ngày… Đây chắc chắn là một kỷ niệm khó quên đối với tôi”.
Cơ hội gắn kết với hàng xóm
Còn đối với Trang Ngân (23 tuổi), nhân viên văn phòng sinh sống cùng bà ở ngõ Văn Chương (phường Văn Chương, Hà Nội), nhóm chat Zalo của khu dân cư nơi cô sinh sống là phương tiện kết nối rất hữu ích.
Kể từ cuối tháng 7, ngõ nhà bị phong tỏa do có ca F0. Do không kịp cập nhật thông tin, Trang Ngân và bà chưa kịp dự trữ thức ăn.
Ngay hôm sau, bố mẹ cô cấp tốc chuẩn bị thêm đồ ăn cho hai bà cháu và gửi ở chốt kiểm dịch.
Trang Ngân cũng rút kinh nghiệm, chủ động gia nhập nhóm trò chuyện của khu dân cư để không bị bỏ lỡ thông tin quan trọng liên quan đến dịch bệnh.
Từ đó, mỗi khi có lịch xét nghiệm, thông tin về ca F0, F1 trên địa bàn, cô và những hàng xóm xung quanh đều được kịp thời cập nhật đầy đủ.
Không chỉ vậy, mỗi khi địa phương có những đợt tiếp tế nhu yếu phầm, các cán bộ Công an phường Văn Chương cũng thông báo tới mọi người qua nhóm trò chuyện chung.
Trang Ngân cho biết hầu như ngày nào các hộ gia đình cũng nhận được lương thực tiếp tế, bao gồm gạo, rau, mì gói, bánh mì, gia vị…
“Hầu như ai sử dụng ứng dụng liên lạc này đều nhận được thông báo. Người nào thấy hàng xóm của mình chưa nắm thông tin thì sẽ tìm cách nhắc nhở an toàn khác để ai cũng được hưởng quyền lợi và sự hỗ trợ từ chính quyền như nhau”, cô chia sẻ.
Ngoài ra, Trang Ngân cho biết bên cạnh lợi ích truyền tải thông tin nhanh, nhóm trò chuyện của khu dân cư còn là nguồn động viên tinh thần trong thời điểm dịch bệnh hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
“Nhiều người sống cạnh nhà nhau đã lâu, nhưng chưa chắc đã quen thân. Tuy nhiên, qua nhóm trò chuyện này, mọi người có cơ hội chuyện trò, tìm hiểu về nhau.
Những lời khuyên và động viên, dặn dò mà hàng xóm gửi đến nhau thực sự rất ấm áp”, cô nói.