Ở tuổi 40, khi mà nhiều người phụ nữ đã yên phận với cuộc sống và phần nào lãng quên những ước mơ hoài bão thời trẻ, thì chị Thủy (sinh năm 1981) lại có một quyết định đầy táo bạo – đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Với quyết tâm cao, chị khiến nhiều người bất ngờ khi đạt được thành tích đáng nể với số điểm các môn lần lượt là: Ngữ văn 7,25; Lịch sử 8,5; Địa lý 9; Giáo dục công dân 9,5. Tổng điểm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội của chị lên đến 27, tổng điểm thi theo tổ hợp khối C là 24,75 điểm.
Sau khi vừa kết thúc ca làm việc ở khu công nghiệp gần nhà, bà mẹ 2 con cho hay mình đi thi để thỏa ước mơ tuổi trẻ.
Đã hơn 20 năm kể từ ngày chị bước vào kì thi đại học lần đầu tiên trong đời. Nhưng không may chỉ vì thiếu 0,5 điểm để đỗ vào Học viện Hành chính Quốc gia, cuộc đời chị đã rẽ sang một hướng khác.
“Vào được một trường đại học là mơ ước của tôi từ 20 năm trước. Nhưng khi đó, bố mẹ tôi cũng đã hơn 70 tuổi, nên kể cả có đỗ thì bố mẹ cũng không có đủ tiền nuôi tôi ăn học”.
Nhưng bên trong người phụ nữ này vẫn luôn khát khao được bước chân vào giảng đường đại học, 20 năm sau, chị quyết định thử sức mình một lần nữa.
“Năm nay cũng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, một phần công ty ít việc nên tôi mới có thời gian để ôn luyện. Mọi năm, mỗi ngày đều đặn làm 12 tiếng nên về nhà chỉ còn thời gian nghỉ ngơi”, chị Thủy nói.
Do công việc có phần bận rộn và còn phải chăm sóc cho gia đình nên từ khi nộp hồ sơ dự thi hồi tháng 5, chị mới bắt đầu việc ôn tập cho kỳ thi.
“Tôi thường ôn vào Chủ Nhật, còn ngày thường thì cứ rảnh lúc nào học lúc đấy”.
Đến gần ngày thi, chị mới làm đơn xin nghỉ việc không lương và chỉ có vỏn vẹn 21 ngày để chính thức tập trung vào học. Mặc dù vậy, ở tuổi 40, chị Thủy nói chỉ học được khoảng 2 tiếng là bắt đầu cảm thấy căng thẳng, phải nghỉ ngơi. Vì thế, ngày nào nhiều thì chị học được khoảng 6 – 7 tiếng, đồng thời vẫn phải quán xuyến cơm nước, việc nhà.
Từng là học sinh giỏi cấp trường, học lớp chọn cấp THCS, có phương pháp học hiệu quả, nên chị Thủy nhanh chóng lấy lại kiến thức qua sách giáo khoa và các khóa học online đăng ký trên mạng.
Do bắt đầu muộn hơn các thí sinh bình thường, ngoài ôn tập trong sách giáo khoa, chị cũng mua một khóa học trực tuyến để học môn Văn và một ít sách tham khảo môn Lịch sử và Địa lý để học thêm. Môn Giáo dục công dân chị tự ôn do gần gũi cùng với vốn sống của bản thân.
Chỉ vỏn vẹn trong 21 ngày, chị dành thời gian ôn tập môn Văn nhiều nhất. Môn Lịch sử và Địa lý, mỗi môn chị học một tuần. Giáo dục công dân chỉ ôn trong 2 ngày.
Chị chia sẻ “Nhưng cứ học môn nào là tôi học liền một mạch để tập trung được cao độ. Trong các sách ôn tập có những đề thi, tôi tự làm và câu nào sai so với đáp án thì lấy bút đỏ đánh dấu để xem lại và bổ sung kiến thức”.
Trong quá trình làm đề, chị Thủy kể cũng nhiều câu bị sai. Nhưng những câu nào sai, chị lại ghi ra vở và học lại nhiều lần để nhớ.
“Đề thi của môn Văn không vào đúng bài mà mình ưa thích nên tôi cũng không viết được nhiều. Tuy nhiên tôi cũng rất vui với kết quả mình đạt được. Còn hai môn Lịch sử và Địa lý thì do làm bài thi tốt nên tôi không bất ngờ. Môn Giáo dục công dân do gần gũi với đời sống hằng ngày nên tôi thấy không khó”, chị Thủy nói.
Do đi thi khi đã luống tuổi như thế này cũng nhiều kỷ niệm vui. Điều vui nhất là quyết định đi thi của mình được cả gia đình ủng hộ.
“Nhiều cháu sinh viên tình nguyện thấy tôi đi vào phía trường thi còn gọi lại hỏi tôi đi đâu, bởi nghĩ rằng là phụ huynh đưa con đi thi chứ không phải là thí sinh. Vào đến tận phòng thi, các cán bộ coi thi cứ nhìn mãi căn cước công dân và giấy báo thi, đặc biệt là năm sinh của mình”, người phụ nữ 2 con cười tươi.
Bên cạnh đó, chị vẫn thường xuyên theo dõi các cuộc thi, gameshow về trí tuệ trên truyền hình như Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú,… và coi đó là niềm vui của mình, khác với sở thích mua bán hàng trên mạng như nhiều bạn bè đồng lứa.
Với tổng điểm 24,75 khối C, chị Thủy dự định nguyện vọng 1 sẽ đăng ký vào ngành Việt Nam học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ngành học này năm ngoái có điểm chuẩn theo tổ hợp khối C là 21,25 điểm.
Nguyện vọng 2 là Học viện Phụ nữ Việt Nam và nguyện vọng 3 là vào Học viện Thanh thiếu niên.
Theo chị, dù kết quả có thế nào thì bản thân vẫn cảm thấy rất vui bởi nỗ lực của mình, cũng là món quà dành tặng cho bố mẹ chị và truyền cảm hứng cho những đứa con của mình.
“Sau khi tôi chia sẻ câu chuyện của mình, rất nhiều bạn trẻ cũng đã nhắn tin chúc mừng và cảm ơn vì truyền cảm hứng, động lực cho các bạn. Tôi chỉ muốn nói với các cháu rằng có đam mê, quyết tâm thì sẽ vượt qua tất cả và không bao giờ là muộn cả”, chị Thủy nói.